Một trong những nguyên tắc khi
đội MBH là dây phải ở vị trí cằm chứ không phải là ở cổ.
“Nếu đội mũ bảo hiểm không đúng cách, giá trị bảo vệ chỉ còn 30 - 50%.
Như vậy người đội vẫn có nguy cơ cao bị chấn thương sọ não nếu không may
gặp tai nạn giao thông”, TS Đồng Văn Hệ, Khoa Phẫu thuật thần kinh,
Bệnh viện Việt Đức cảnh báo.
89% người đội MBH sai
Qua khảo sát sơ bộ của nhóm bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, có tới 89% người
đội MBH không đúng cách, đội sai. TS Hệ cho biết, trong hai ngày 19 và
22/12, nhóm bác sỹ Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành một cuộc khảo sát
việc đội MBH tại 5 trục giao thông chính và cửa ngõ vào Hà Nội, gồm
đường Thăng Long - Nội Bài, đường Giải Phóng, cầu Chương Dương, ngã tư
Tràng Tiền - Ngô Quyền, Kim Mã - Núi Trúc.
Kết quả khảo sát 11.604 người cho thấy: Số người không chấp hành đội mũ
rất thấp (0,8%, tức 96 người) nhưng có tới 88,9% người dân đội MBH sai,
không đúng cách. Trong đó, lỗi sai chủ yếu là đeo dây mũ vào cổ hoặc dây
mũ quá rộng.
Ngoài lỗi dây mũ đặt vào cổ, dây lỏng lẻo, các lỗi sai
thường thấy hiện nay là không cài dây mũ, đội mũ vải - mũ lưỡi trai ở
trong mũ bảo hiểm, đội ngược mũ từ phía trước ra sau, thậm chí tháo xốp
lót mũ ra cho ... nhẹ và thoáng?!
Theo TS Hệ, tình trạng không biết cách đội đúng MBH không chỉ xảy ra ở
riêng nước ta. Như ở Inđônexia, theo một nghiên cứu ở đây cho thấy, sau 3
năm từ khi có luật và sau 5 năm từ khi có quy định đội MBH, tỷ lệ đội
mũ đúng cao nhất là 60%, thấp nhất là 29%.
Nguyên nhân của tình trạng
này là do người dân có tâm lý đội chống đối, đội chỉ để không bị phạt
nên họ không quan tâm đến đội mũ đúng hay sai.
Nguy cơ chấn thương cao vì đội MBH sai
Theo TS Hệ, nếu đội mũ sai thì sẽ không có tác dụng, hoặc tác dụng giảm
đi. Trong một chừng mực nào đó, đội mũ không đúng cách có thể gây nguy
hiểm cho người đội. Giá trị bảo vệ của mũ chỉ còn 30-50% vì việc đội sai
sẽ làm MBH lỏng lẻo, không ôm sát đầu hoặc mất lớp xốp bên trong, ảnh
hưởng đến quá trình giảm tốc, cản dị vật va đập trực tiếp vào vùng đầu.
Đặc biệt, dây mũ đặt vào vị trí cổ, khi bị tai nạn, dây có thể xiết vào
vùng cổ, từ đó có thể gây tổn thương khí quản, thực quản, cột sống cổ,
động mạch cảnh, dẫn đến liệt nửa người, thiếu máu não, thậm chí tử vong.
Trên thực tế, tại Bệnh viện Việt Đức, đã có trường hợp bệnh nhân bị gãy
cột sống cổ và tử vong do dây MBH xiết vào cổ khi xảy ra tai nạn.
TS Hệ cho biết, qua khảo sát thực tế tại khoa phẫu thuật thần kinh, có
không ít bệnh nhân chấn thương sọ não do đội MBH sai, mũ văng ra khỏi
đầu khi bị tai nạn. Có khoảng 50% số người vào phải vào viện điều trị có
liên quan tới chấn thương đầu là không đội mũ, chưa kể đến đội MBH sai.
Như vậy, nhóm không đội mũ, đội mũ không đúng cách có nguy bị chấn
thương vùng đầu rất cao.
Đội MBH thế nào là đúng?
Theo TS Hệ, hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam dường như chưa
đưa ra một quy chuẩn nào về việc đội MBH đúng.
Một số nhà chuyên môn cho
rằng, đội MBH đúng gồm: Mũ đạt tiêu chuẩn chất lượng, đội vừa ôm sát
đầu, dây mũ đặt ở cằm và thắt chặt. Nên dùng dây mũ có miếng nhựa đỡ cằm
cho chắc chắn, hướng cài dây mũ về phía trước cằm để tránh dây trượt về
cổ. Nếu thắt dây mũ đúng sẽ rất khó nói chuyện, khó văng ra ngoài khi
có va đập do ngã, vì vậy việc bảo vệ hiệu quả hơn rất nhiều.
Tuy nhiên TS hệ cũng cảnh báo, việc đội MBH khi tham gia giao thông chỉ
có tác dụng khi người điều khiển giao thông biết chấp hành luật lệ giao
thông, đi với tốc độ vừa phải và đội mũ đúng cách.
Còn theo BS Cao Độc Lập, trưởng phòng khám bệnh BV Việt Đức, khi tham
gia giao thông, nhất là đi đường dài, đường cao tốc, tốt nhất là nên đội
MBH cả đầu. MBH cả đầu sẽ phòng phòng tránh được chấn thương toàn bộ
vùng sọ não, chắn gió tốt giúp người lái xe tập trung hơn.
Còn với MBH nửa đầu cũng có tác dụng bảo vệ nhưng chỉ được một phần đầu,
với điều kiện đi chậm từ 20 - 30km/h. Còn nếu đi với tốc độ cao, 50 -
60km/h khi bị tai nạn sẽ xô lệch, nghiêng vẹo, tác dụng không nhiều. Khi
đội MBH, người dân cần học thói quen nhìn gương để quan sát xung quanh.
Nếu không nhìn qua gương lại đội mũ kín, không nghe thấy còi, không làm
chủ tốc độ sẽ làm tăng tai nạn.
“Đã mất công đội MBH thì hãy đội đúng. Người tham gia giao thông cần có ý
thức rằng, đội MBH là để bảo vệ chính mình, chứ không phải để đối phó”,
TS Hệ nhấn mạnh. Điều quan trọng nhất vẫn là bạn phải nhận biết mũ bảo hiểm đúng cách và đội mũ bảo hiểm đúng cách.
Nguồn Vietbao.vn
0 Nhận xét